Thượng úy Tống Thị Mai - “Bông hoa khắc lửa” của lực lượng Phòng cháy chữa cháy Hải Phòng

14:20 05/11/2023

Bấy lâu nay, khi nhắc đến hình ảnh người lính cứu hỏa, nhiều người đều nghĩ ngay đến hình ảnh những nam chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thế nhưng, trong trận chiến đầy những cam go, khắc nghiệt với “giặc lửa”, vẫn có những nữ chiến sĩ PCCC tâm huyết, tận tụy với nghề. Thượng úy Tống Thị Mai – Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) khu vực Kiến An (Đội KV2) - Phòng PC07 - CATP Hải Phòng là một điển hình như vậy.

Chúng tôi gặp Thượng úy Tống Thị Mai tại tư gia của chị. Trong căn nhà nhỏ xinh của gia đình, Thượng úy Tống Thị Mai đã có những phút giây trải lòng về nghề nghiệp và công việc đặc thù của mình. Bén duyên với ngành PCCC từ năm 2013 như một cơ duyên mà theo chị, cơ duyên ấy tựa như một cái “cớ tiền định”. Trải qua những vị trí công tác khác nhau, đến năm 2018 chị giữ trọng trách Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH khu vực Kiến An cho đến nay.

Thượng úy Tống Thị Mai

Chị kể, những ngày đầu khi mới vào ngành PCCC, mỗi khi nghe tiếng còi xe chữa cháy vang lên là chị lại cảm thấy “sợ”. Bởi bất cứ ai cũng đều hiểu, có cháy là có sự hiểm nguy, có sự mất mát về tài sản, thậm chí là tính mạng con người. Những lúc ấy, chứng kiến đồng đội của mình khẩn trương, gấp gáp lên đường làm nhiệm vụ, có những khi cơm chưa kịp ăn, nhịn đói tham gia chữa cháy suốt nhiều giờ đồng hồ đến khi hoàn thành công việc cũng là khi mệt lả, chị càng thêm yêu, thêm thương và đồng cảm, gắn bó với đồng chí, đồng đội, với công việc của mình. Sau này, khi đã quen với công việc, chị luôn trong tâm thế sẵn sàng trực chiến, cứ nghe tiếng kẻng báo động là lên đường làm nhiệm vụ, thậm chí có khi chân không rời khỏi ủng để có thể lập tức lên đường.

Trong những lần trực tiếp tham gia chữa cháy, vụ cháy tại nhà ông Đỗ Tiến Oai (Ngách 01, đường Khúc Lập, phường Quán Trữ, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng ngày 1/9/2021) là vụ cháy không thể nào nguôi quên trong tâm trí của Thượng úy Tống Thị Mai. Lúc ấy là 4 giờ 24 phút, trong khi đang trực ca, chị Mai nhận được thông tin về đám cháy do Trung tâm chỉ huy 114 của Phòng Cánh sát PCCC&CNCH gọi đến, trong đám cháy có người đang mắc kẹt. Là Chỉ huy trực trong ngày, chị Mai đã chủ động, khẩn trương đôn đốc CBCS trong ca trực nhanh chóng xuống hiện trường để xử lý.

Ngay lập tức, Đội KV2 xuất 1 xe chỉ huy và 2 xe chữa cháy đến địa chỉ nhà dân để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH. Khi đến hiện trường, quan sát ban đầu thấy đám cháy xảy tại tầng 1 và có xu hướng cháy lan lên tầng 2, tầng 3 của ngôi nhà, tỏa ra rất nhiều khói khí độc. Trước tình hình đó, chị đã chỉ đạo cho CBCS nhanh chóng tổ chức trinh sát và triển khai đội hình 1 lăng B làm mát, bảo vệ trinh sát. Lúc này, trinh sát báo cáo có 5 nạn nhân đang mắc kẹt tại phòng ngủ tầng 2 của ngôi nhà, nhưng do quá hoảng loạn và mất bình tĩnh, các nạn nhân đã khóa chặt cửa và cố thủ trong phòng gây khó khăn cho công tác CNCH.

Thượng úy Tống Thị Mai hướng dẫn các chiến sĩ kiểm tra, bảo trì các dụng cụ, phương tiện chữa cháy

Nhận thấy có thể tiếp cận được căn phòng nơi có nạn nhân đang bị mắc kẹt qua ban công tầng 2, chị đã chỉ đạo cho CBCS sử dụng thang 2 trên xe chữa cháy triển khai lên tầng 2 của ngôi nhà để phá cửa sổ phòng ngủ cứu người bị nạn. Đồng thời, khi xe chữa cháy số 2 đã lấy nước tại trụ nước chữa cháy thành phố và truyền nước ổn định cho xe chữa cháy số 1, chị đã cho phát triển thêm 1 lăng A chữa cháy và 1 lăng B phun mưa làm mát bảo vệ trinh sát và nạn nhân di chuyển ra ngoài qua lối cầu thang bộ. Qua những thời khắc “chạy đua” với tử thần, với thời gian, chị cùng đồng đội đã giải cứu thành công 5 nạn nhân. Không kịp nghỉ ngơi, ngay sau đó, chị lại khẩn trương đôn đốc CBCS tập trung lực lượng, phương tiện dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình công tác, chị Mai chia sẻ: công tác chữa cháy và CNCH đối với nam giới vốn dĩ đã là một công việc đầy những gian nguy, hiểm trở; đối với nữ giới, lại là nữ Chỉ huy như chị thì lại càng vất vả gấp bội phần. Với tính chất công việc luôn phải ở trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể ngày đêm, mưa nắng, chị luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần, lấy trọng trách, tâm huyết của bản thân mình để làm gương cho CBCS trong Đội. Khi tham gia chữa cháy và CNCH, mỗi CBCS phải mang trên mình dụng cụ chữa cháy, trang phục bảo hộ (ủng, mũ, mặt nạ phòng độc…) nặng 5-6kg, di chuyển trong trạng thái bình thường đã khó, di chuyển trong đám cháy lại càng khó khăn hơn. Nhưng những lúc đó, chỉ cần bảo đảm được an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, mọi mệt mỏi của chị và đồng đội đều tan biến.

Bên cạnh vai trò là nữ Chỉ huy, chị Mai còn là một người vợ, người mẹ. Do vậy, chị phải cân đối, sắp xếp thời gian, công việc sao cho hợp lý để có thể đảm bảo hoàn thành “việc nước, việc nhà”. Chị nhớ khi dịch Covid -19 bùng phát, chồng chị phải ở đơn vị suốt 4 tháng, ba mẹ con chị phải tự xoay xở, tự chăm sóc cho nhau. Có những hôm trực, chị phải đưa cả con lên cơ quan, “may mắn nhờ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo và các CBCS trong Đội, tôi mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – chị Mai chia sẻ.

Với những cống hiến hết mình trong công việc, Thượng úy Tống Thị Mai được ví như “bông hồng thép” của lực lượng PCCC & CNCH. Những hy sinh thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng của chị đã được lãnh đạo cấp trên ghi nhận, biểu dương: năm 2022, chị được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và CNCH góp phần bảo vệ an ninh Quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tặng Giấy khen đã có kết quả học tập đạt loại xuất sắc trong lớp huấn luyện nâng cao kỹ, chiến thuật CNCH cho cán bộ chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH năm 2022... Đây vừa là niềm vui, vừa là động lực để Thượng úy Tống Thị Mai tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

NGỌC HÀ - LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông